Với việc sử dụng nguyên liệu vỏ cam, các NTK mong muốn tạo ra chiếc đèn để bàn vừa thân thiện với môi trường, vừa tối ưu hóa chuỗi cung ứng, có giá trị về mặt kinh tế. Đặc biệt, chiếc đèn có mùi thơm và cảm giác khi sờ nắm giống như chính nguồn gốc nguyên liệu của nó.
Công ty khởi nghiệp Krill Design có trụ sở tại Milan đã thiết kế đèn để bàn từ công nghệ in 3D, với nguyên liệu là vỏ cam Sicilia – có tên là Ohmie.
Các NTK tại Krill Design sử dụng vỏ cam vì độ nhẹ và sự phổ biến của loại trái cây này ở Sicily, Ý. Mỗi chiếc đèn được làm từ vỏ của 2 đến 3 quả cam, nguồn nguyên liệu lấy từ một nhà sản xuất thực phẩm ở tỉnh Messina, Sicily. Ohmie vẫn giữ được cảm giác sần tự nhiên của vỏ và mùi của cam.
“Chúng tôi cần một nguồn nguyên liệu dồi dào và cam ở vùng Sicily chỉ chiếm khoảng 3% lượng cam toàn cầu, điều này cho phép chúng tôi có thể sản xuất Ohmie hàng loạt. Chúng tôi quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng và hướng tới sản xuất hoàn toàn tại địa phương. Cam là một trong nhiều sản phẩm nổi tiếng của nước Ý trên thế giới”, Krill Design chia sẻ.
Từ bề mặt có các chấm nhỏ, cảm giác sần đến mùi cam và màu sắc tự nhiên, chiếc đèn cao 23cm này được thiết kế để phản ánh nguồn gốc của nó. Các NTK hy vọng chiếc đèn sẽ chứng minh cho việc: rác thải thực phẩm có thể được tái chế, tạo ra một sản phẩm sinh thái vừa thẩm mỹ vừa hữu ích. Sau quá trình sử dụng, đèn Ohmie có thể bị xé nhỏ ra như vỏ cam và vứt đi cùng với rác thải hữu cơ hộ gia đình.
Krill Design cho biết: “Khi hết tuổi thọ, nó có thể đơn giản bị vứt cùng với rác thải hữu cơ, để đem đi xử lý trong các cơ sở ủ phân hữu cơ và được biến thành nhiên liệu sinh học tùy theo cách xử lý tại từng địa phương. Loại vật liệu hiện tại chỉ có thể phân hủy trong các cơ sở công nghiệp, nhưng trong tương lai, chúng tôi muốn nghiên cứu thêm và tạo ra một loại vật liệu dễ dàng phân hủy trong tự nhiên hoặc trong phân hữu cơ ủ tại nhà”.
Krill Design đã sử dụng kỹ thuật in 3D để “tránh mọi trường hợp lãng phí trong quá trình sản xuất”. Vỏ cam được nghiền nhỏ và kết hợp với tinh bột thực vật trước khi được in. Họ cho biết: “Sau khi nguyên liệu được chuyển đến, chúng được làm khô – phế phẩm hữu cơ cần có độ ẩm dưới 4% – được nghiền thành bột mịn và rây đều để đảm bảo yêu cầu về độ mịn”.
Phần bột sau đó được gửi đến một cơ sở sản xuất, nơi nó được thêm vào tinh bột thực vật để tạo màng sinh học. Sau đó, chất tạo màng sinh học màu cam được sản xuất dưới dạng viên nén. Đây là công đoạn duy nhất phải thuê ngoài, vì máy móc cần thiết là cực kỳ cồng kềnh và đắt tiền. Sau đó, các viên nén được đưa vào máy in 3D để tạo ra Ohmie.
Biên dịch | Hoàng Anh KietViet.net (Nguồn: Dezeen)