Kiến trúc không đơn thuần mang đến không gian thoải mái, ấm áp cho gia chủ mà còn không ngừng phát triển và thích ứng với điều kiện môi trường. Mỗi khí hậu, môi trường cần một giải pháp khác nhau. Thiết kế dành cho môi trường khí hậu nóng ẩm cũng rất khác với khí hậu lạnh khô. Đặc biệt về vấn đề thông gió tự nhiên.

Mỗi khí hậu, môi trường cần một giải pháp khác nhau trong kiến trúc để đảm bảo cho cuộc sống của gia chủ

Một trong những giải pháp đầu tiên là sử dụng các lam chắn trên mặt tiền, vừa để thông gió và điều sáng tự nhiên. Nổi bật là GAF House của Jacobsen Arquitetura với tầng trên được bọc lớp da bằng gỗ với các tấm di động và cố định trong khung kim loại. Ngoài tác dụng bảo vệ thị giác, đón ánh sáng và thông gió tự nhiên, các tấm gỗ còn đảm nhiệm vai trò vách ngăn phòng trong văn phòng trên gác lửng, truyền tải bản sắc riêng cho tổng thể dự án.

GAF House | Jacobsen Arquitetura

Một ví dụ tiêu biểu khác là Nhà Vy Anh của Khuôn Studio với hệ lam chắn bao phủ hoàn toàn bặt tiền và những viên gạch không khí sắp xếp không theo quy tắc để đảm bảo an ninh, thông gió và đề cao thẩm mỹ. Hệ thống này cũng hoạt động như một giàn leo được bao phủ bởi cây dây leo, tạo ra bức mành từ cây xanh, đưa đến không gian riêng tư và thoải mái dựa trên thông gió chéo, đồng thời tạo ra những không gian độc đáo bên trong ngôi nhà.

Nhà Vy Anh | Khuôn Studio

The Floating Nest House của atelier NgNg lại mang đến mối liên hệ giữa mặt tiền và nội thất lên một cấp độ khác. Ngôi nhà này đối mặt với thách thức truyền tải được không gian thông thoáng rộng rãi trên quỹ đất nhỏ hẹp trong khi phải phù hợp điều kiện môi trường địa phương. Các KTS đã quyết định lược bỏ tường ngăn, sử dụng cây xanh và các khoảng trống để phân tách không gian chức năng. Bức bình phong bằng tre chạy dọc theo chiều dài của mặt tiền cho phép thông gió tự nhiên và bảo vệ ngôi nhà khỏi ánh nắng gay gắt của mặt trời hướng tây và đảm bảo tính riêng tư.

The Floating Nest House | atelier NgNg

Yếu tố tre xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như cuộn lên để tạo bóng mát cho sân thượng. Ngoài ra, vách ngăn sắt CNC hình lá vừa như thiết bị đối lưu ánh sáng và không khí mà còn che nắng cho ban công và cổng ra vào, tạo không gian rộng mở, thông thoáng hơn cho ngôi nhà.

The Floating Nest House | atelier NgNg

Khi thiết kế một công trình mới, có thể tính toán mặt tiền và nội thất sao cho đảm bảo yếu tố thông gió ngay từ đầu. Tuy nhiên, đối với những công trình cải tạo, các giải pháp thông gió phải phù hợp với công trình và khí hậu. Trong dự án cải tạo Village House ở San Esteban d’en Bas, nhóm thiết kế Unparalled Arquitectes, không gian trống giữa hai tòa nhà được phân lớp theo hình bậc thang, mở rộng được không gian bên ngoài nhiều hơn và vẫn đảm bảo ánh sáng, thông gió cho cả hai.

Phương án cải tạo Village House ở San Esteban d’en Bas | Unparalled Arquitectes
Village House | Unparalled Arquitectes

Một thách thức thức khác khi khai thác yếu tố thông gió tự nhiên cho căn hộ là không thể can thiệp mặt tiền. Đối với căn hộ 3 Zero 8, Debaixo do Bloco Arquitetura thiết kế,  sơ đồ mặt bằng ban đầu rất kín khiến việc thông gió khá khó khăn. Trong 2 dự án này, các KTS đã phá bỏ các bức tường để tạo ra không gian tích hợp hơn và đảm bảo lưu thông không khí tốt hơn.

Trong quá trình cải tạo Căn hộ 112 Sul, studio CoDA Architects cũng quyết định phá bỏ tường đồng thời làm nổi bật mặt tiền bằng bức bình phong độc đáo: tường cobogó. Việc giảm đáng kể khu vực giặt là là điểm mấu chốt giúp kết nối nhà bếp và phòng khách, do đó mở rộng tầm nhìn ra mặt tiền phía sau. Họa tiết cũng được thống nhất giống trên trần bếp bằng các tấm thạch cao mang lại sự liên kết giữa bên ngoài và bên trong.

Căn hộ 112 Sul | CoDA Architects

Đối với dự án lớn hơn như trong môi trường và không gian thương mại, khả năng lọc không khí và thông gió cần thiết hơn bao giờ hết. Việc lựa chọn hệ thống thông gió tự nhiên ở những không gian này là thách thức lớn nhưng vẫn được lựa chọn vì giải pháp bền vững. Tiêu biểu trong Cantina Monteiro Ribas do PF Architecture Studio thiết kế.

Cantina Monteiro Ribas | PF Architecture Studio

Dự án can thiệp vào một tòa nhà trong khu liên hợp công nghiệp nằm ở ngoại ô phía bắc của Porto, Bồ Đào Nha. Mục tiêu của khách hàng là muốn tạo nên một căng tin như nhà hàng hơn một căng tin công nghiệp. Không gian được chia thành các khoảng khác nhau bằng cách sử dụng các vách từ gỗ thanh cả cố định cả di động. Phân bổ theo cách này có thể đảm bảo thông gió và tạo luồng không khí trong lành.

Công trình ANOHA – Khu vui chơi trẻ em của Bảo tàng Do Thái Berlin do Olson Kundig thiết kế cũng lựa chọn hệ thống thông gió tự nhiên trong các cuộc gặp gỡ đông người. Nằm trong khuôn viên chợ hoa cũ, trung tâm ANOHA giống như chiếc hòm gỗ tròn, cao gần 7 mét với đường kính 28 mét. Để đảm bảo sự thông thoáng bên trong, các chiến lược bền vững được đưa vào thiết kế như một phần không thể thiếu trong trải nghiệm người dùng. Quạt trần và cửa sổ có thể mở cho phép trao đổi không khí và thông gió.

ANOHA | Olson Kundig

Văn phòng và nơi làm việc là một trong số những môi trường khó khăn để tích hợp hệ thống thông gió tự nhiên nhưng The Hayden Place của Cuningham Group vẫn đặt mục tiêu thực hiện. Dự án nhắm đến mục tiêu được cấp chứng nhận LEED Gold với một loạt yếu tố bền vững như lỗ thông hơi nhỏ giọt cho phép không khí trong lành lưu thông trong không gian và thoát qua hệ thống thông gió cơ khí, sử dụng lỗ thông hơi khí thải trên các đầu đối diện. Các ống dẫn này tích hợp vào thiết kế mà không ảnh hưởng nhiều đến công năng của ngôi nhà.

The Hayden Place | Cuningham Group

Một ví dụ ấn tượng khác về hệ thống thông gió tự nhiên được khéo léo kết hợp giữa kiến trúc và nội thất là văn phòng Second Home Offices nằm tại Hollywood do Selgascano đảm nhiệm. Đây là môi trường khác biệt hoàn toàn so với những văn phòng thông thường bằng cách bố trí không gian làm việc trong một cụm văn phòng kín hình bầu dục độc lập bao quanh bởi cây xanh. Cửa sổ làm nhiệm vụ lưu thông không khí giúp thông gió tự nhiên xuyên suốt đồng thời đưa con người đến gần hơn với thiên nhiên.

Second Home Offices | Selgascano

Biên dịch | Vũ Hương Kienviet (Nguồn: Archdaily)

Mục lục
Mục nhập này đã được đăng trong Architecture Blog, Constructions Blog, InteriorDesign Blog, Marchinde Blog. Đánh dấu trang permalink.
Tags :